Trung tâm Văn hóa quận 5 được xây dựng trên nền đất của khu casino Đại thế giới cũ, nơi mà những năm 1940-1960 đã từng nổi tiếng là sòng bạc lớn nhất Đông Dương, khu ăn chơi trác táng đầy tai tiếng của chế độ cũ. Sau năm 1975, nơi này là một bãi đất sình lầy, có một thủy đài lớn, 15 hộ dân cư ngụ với ao rau muống và một số xác nhà đổ nát, được sử dụng tạm thời làm bãi giam giữ xe tang vật của Công an thành phố.
Đến năm 1979, nhằm góp phần tuyên truyền giáo dục chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước, từng bước xây dựng đời sống văn hóa mới cho nhân dân trên địa bàn, Quận 5 đã tuyên truyền thuyết phục 13/15 hộ dân cư ngụ tự di dời, dựng lên trên khu đất này một sân khấu tạm, bãi chiếu phim ngoài trời, giao cho Phòng Văn hóa Thông tin quận tổ chức các hoạt động thông tin tuyên truyền – văn hóa văn nghệ, đáp ứng kịp thời nhu cầu hưởng thụ văn hóa của đồng bào người Việt, người Hoa trong khu vực. Và bắt đầu từ đây, nơi này trở thành điểm sinh hoạt lành mạnh của mọi tầng lớp nhân dân trong và ngoài quận 5.
Năm 1983, Nhà Văn hóa quận 5 được thành lập. Ông Trương Văn Hỏi – nguyên trưởng phòng Văn hóa Thông tin quận, làm Chủ nhiệm đầu tiên, được sự quan tâm của lãnh đạo quận (ông Phạm Chánh Trực – Bí thư Quận ủy), đã nỗ lực từng bước đặt những nền móng vững chắc cho tổ chức và hoạt động của Trung tâm Văn hóa Q5 sau này.
Năm 1985, một Nhà Văn hóa cấp quận khang trang đã được xây dựng lên theo phương thức xã hội hóa với kinh phí một phần từ vốn ngân sách quận và nguồn thu bán vé của Nhà Văn hóa, cùng với sự đóng góp của công ty Cholimex (Giám đốc lúc bấy giờ là ông Hồng Tôn Như, tức Ba Hòa), các hội quán người Hoa và nhiều nguồn lực khác. Đây là công trình chào mừng kỷ niệm 10 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước (1975 – 1985) của Quận 5. Cơ sở vật chất của Nhà Văn hóa dần được xây dựng mới tại khu đất trên như sân khấu ngoài trời năm 1986, sân khấu tiếng Hoa năm 1988. Thời gian này, Nhà văn hóa đã tập hợp được một lực lượng cán bộ, nhân viên, cộng tác viên đầy nhiệt huyết tuổi trẻ, có trình độ chuyên môn giỏi như: Phạm Duy Khiêm (Phó Chủ nhiệm, Bí thư Chi bộ năm 1987), Phi Phượng, Thái Nguyễn, Mai Tân, Phước Nghĩa, Minh Nguyệt, Đoàn Khoa, Trịnh Dũng, Lý Mỹ, Huy Chí, Bùi thị Sương, Nhất Minh, …, Nhà Văn hóa quận 5 đã nhanh chóng ổn định và phát triển các hoạt động.
Phong trào ca khúc chính trị và ca nhạc trẻ lúc bấy giờ được phát triển mạnh mẽ từ quận đến phường. Những chương trình văn nghệ tại sân khấu ngoài trời thu hút hàng vạn người xem mỗi đêm. Hàng loạt những câu lạc bộ sở thích, chuyên ngành được hình thành và phát triển cho đến ngày nay như các câu lạc bộ: Mỹ Thuật, Nhiếp ảnh, Lân Sư Rồng, CLB Văn nghệ tiếng Hoa, đội Múa … qua đó đã tạo điều kiện rèn luyện, trưởng thành và tỏa sáng của nhiều tên tuổi nổi tiếng của thành phố như các họa sĩ: Lý Tùng Niên, Trương Hán Minh, Lý Khắc Nhu; ca sĩ: Hoàng Huệ Quân, Thoại Kỳ, Đại Vệ, Lệ Mai, Lê Bửu, Lê Dung; diễn viên múa Thái Đạt Minh; nhà nhiếp ảnh Diệp Thừa Hồng; võ sư Lưu Kiếm Xương cùng với tên tuổi của đoàn LSR Nhơn Nghĩa đường… Các CLB TDTT được hình thành như: Cầu lông, Cử tạ thể hình nam, dưỡng sinh phát triển mạnh phục vụ tốt nhu cầu tập luyện sức khỏe của quần chúng. Sân khấu tiếng Hoa với những chương trình biểu diễn ca múa nhạc, kịch của CLB Văn nghệ tiếng Hoa, luôn thu hút đông đảo khán giả đến xem.
Nhiều lễ hội đặc sắc được tổ chức như Hội Hoa xuân, Hội Hoa đăng … các cuộc triển lãm, hội chợ, thu hút đông đảo quần chúng. Các lớp năng khiếu văn hóa nghệ thuật – TDTT – hướng nghiệp tiếng Việt, tiếng Hoa được tổ chức tại CLB Kiến thức kỹ năng hàng năm đào tạo hơn ngàn học viên lúc bấy giờ. Hội thi Đơn ca tiếng Hoa, Hội diễn Văn nghệ quần chúng, hội thi “Ngôi sao 4 mùa” cùng nhiều hội thi, hội diễn khác đã góp phần làm tích cực trong việc xây dựng phong trào văn hóa quần chúng trên địa bàn. CLB Văn nghệ tiếng Hoa, đội Múa, cầu lông, cử tạ thể hình nam, dưỡng sinh đạt nhiều thành tích cao cấp toàn quốc và thành phố. CLB khiêu vũ với discotheque và khiêu vũ cổ điển hấp dẫn đông đảo thanh niên. Nhiều loại hình dịch vụ văn hóa, vui chơi giải trí dần được hình thành như tiệc cưới, karaoke, trò chơi điện tử, patin, nhà banh, xe điện. Năm 1992, Nhà Văn hóa được giao quản lý 2 rạp chiếu phim Đồng Tháp và Hoàn Kiếm từ ngành chiếu bóng để tạo điều kiện phục vụ quần chúng.
Đặc biệt trong giai đoạn này, các loại hình văn hóa – nghệ thuật đa dạng phục vụ đồng bào Hoa đã tạo nên nét văn hóa đặc thù của quận 5 với dấu ấn của 2 vị lãnh đạo tiền nhiệm: ông Dương Trung – Chủ nhiệm Nhà Văn hóa giai đoạn 1986 – 1987 và ông Giang Tập Sanh – Chủ nhiệm Nhà Văn hóa giai đoạn 1988 – 1995. Ngoài ra, với lợi thế là điểm sinh hoạt văn hóa trong khu vực lúc bấy giờ, Nhà Văn hóa quận 5 đã tạo nguồn thu khá cao để tự cân đối chi phí cho các và nộp về ngân sách quận hàng trăm triệu đến cả tỉ đồng mỗi năm, là Nhà Văn hóa cấp quận duy nhất trong cả nước có thể nộp ngân sách từ hoạt động văn hóa.
Năm 1995, ông Mai Chí Thuận – Trưởng phòng Văn hóa Thông tin Q5 được phân công kiêm nhiệm giám đốc Nhà Văn hóa. Cùng lúc, quận điều động bà Vũ thị Ngọc Thúy – Giám đốc Nhà thiếu nhi Q5 về làm Phó giám đốc thường trực và bổ nhiệm ông Trần Huy Chí – Trưởng phòng Nghiệp vụ làm Phó giám đốc phụ trách phòng văn hóa văn nghệ. Ban giám đốc mới đã định hướng hoạt động của Nhà văn hóa theo tinh thần Nghị quyết TW 5 khóa VIII của Đảng về phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, phát triển hoạt động văn hóa cơ sở, đẩy mạnh xã hội hóa đã tạo nên một bước ngoặc mới cho hoạt động của Nhà Văn hóa. Năm 1996, Nhà Văn hóa quận 5 đã được UBND thành phố ra quyết định nâng cấp thành Trung tâm Văn hóa quận 5 với chức năng nhiệm vụ được mở rộng hơn và được xếp hạng là tổ chức sự nghiệp hạng I. Năm 1996, Trung tâm Văn hóa được giao quản lý thêm Thư viện Q5 và hai di tích lịch sử cấp quốc gia: Nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và khu trại giam Bệnh viện Chợ Quán. Từ đây, việc xây dựng và phát triển TTVH được tiến hành theo hướng đa dạng hóa hoạt động, hướng về cơ sở, mở rộng diện tích mặt bằng. TTVH cũng quan tâm đào tạo, củng cố đội ngũ, tuyển thêm cán bộ nghiệp vụ như Minh Hạnh, Đắc Lộc, Nguyễn Hòa, Ngọc Thanh …
Các hoạt động văn hóa nghệ thuật được phát triển mạnh mẽ với Hội diễn văn nghệ quần chúng, Liên hoan Lân sư rồng, Liên hoan Nhạc trẻ toàn thành, Liên hoan Nhóm nhạc tài tử cải lương, Hội thi kể chuyện và thuyết trình sách, Liên hoan Văn nghệ thiếu nhi, cuộc thi sáng tác ca khúc tiếng Hoa, Hội thi Karaoke, … Những lễ hội truyền thống đậm màu sắc dân tộc được tổ chức vào dịp đầu xuân như lễ hội Văn hóa các dân tộc 1997, Hội Trống đồng 1998, 1999, lễ hội Phương Nam 2000, hội Nguyên Tiêu hàng năm … và các lễ hội vào các dịp hè, Trung thu cho thiếu nhi đã trở thành những mô hình hoạt động theo hướng xã hội hóa với sự tham gia của cộng đồng người Việt người Hoa trong và ngoài quận 5 tham gia.
Các họat động giáo dục truyền thống, tuyên truyền văn hóa nghệ thuật dân gian, dân tộc, ca nhạc chủ đề, các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác văn hóa cơ sở, các hoạt động phục vụ thiếu nhi được quan tâm đẩy mạnh. Một số loại hình mới được ra đời như CLB Dân ca, nhóm ca sĩ trẻ, CLB Thể dục thẩm mỹ Hoa hồng, Hội quán mỹ thuật … Đội Múa, CLB Dân ca, Lân sư rồng, Mỹ thuật, Nhiếp ảnh, Dân vũ tiếp tục phát triển mạnh. Đội kịch và Đội Thông tin lưu động được thành lập, cùng với đội Múa, CLB Dân ca đạt nhiều thành tích cao cấp TP và toàn quốc. Trung tâm Văn hóa 5 lần đăng cai tổ chức Liên hoan lân sư rồng toàn thành từ năm 1999 đến 2007; CLB Nhiếp ảnh 2 lần đăng cai tổ chức Đại hội Hiệp hội Nhiếp ảnh nghệ thuật châu Á(FAPA) năm 1995, 2000. Các lớp năng khiếu tại CLB Kiến thức kỹ năng và CLB TDTM Hoa Hồng phát triển ổn định, thu hút sĩ số gần 2000 học viên. Mối quan hệ phối hợp giữa TTVH với các cơ quan, ban ngành đoàn thể và 15 phường trong việc tổ chức hoạt động văn hóa quần chúng được thiết lập. TTVH tiếp nhiều đoàn văn hóa nghệ thuật nước ngoài đến biểu diễn, giao lưu.
Từ năm 1997, TTVH tiếp tục đẩy mạnh phương thức xã hội hóa, mở rộng quy mô và nội dung hoạt động, xây dựng hàng loạt những công trình mới: Khu vui chơi thiếu nhi “Vườn của bé” với sân khấu măng non, phòng đọc sách và 20 loại trò chơi trong khu vườn tre xanh mát rất thu hút các em nhỏ trong khu vực.; Công viên nước Đại thế giới, Khu biểu diễn cá heo. Rạp Hoàn Kiếm được quận nâng cấp khang trang hiện đại, khai trương năm 2000 thường xuyên tổ chức các chương trình ca nhạc – sân khấu – thời trang – chiếu phim. Rạp Đồng Tháp được đầu tư cải tạo thành CLB Văn hóa Cát Đằng và phòng chiếu phim nhỏ năm 2000, khu dịch vụ – nhà sách được xây dựng năm 2001. Với thành tích hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ nhiều năm liền, năm 1998, Trung tâm Văn hóa Q5 vinh dự được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng III nhân kỷ niệm 15 năm xây dựng và phát triển TTVH.
Năm 2000, bà Võ Thị Nguyệt – Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Q5 được Ủy ban nhân dân Quận 5 điều động về làm giám đốc. Trung Tâm Văn Hóa tiếp tục mở rộng quy mô và nâng chất lượng các hoạt động văn hóa quần chúng, hội thi hội diễn, văn hóa cơ sở. Lễ hội Nguyên Tiêu được đầu tư mở rộng về quy mô, nâng chất các hoạt động, được Sở Văn hóa thông tin thành phố (Sở Văn hóa và Thể thao ngày nay) đưa vào danh mục lễ hội cấp thành phố. Hội diễn Văn nghệ quần chúng Q5 được mở rộng thành 5 khối với sự tham gia của các cơ quan đơn vị trong quận. Một số mô hình mới được hình thành như chương trình “Chủ nhật vui” cho công nhân viên chức lao động, chương trình “Cung đàn đất nước” về âm nhạc dân tộc, ca nhạc Việt – Hoa, chợ phiên mỹ thuật vào dịp mừng xuân mừng Đảng, Nhà hàng Cát Tường – nơi giới thiệu văn hóa ẩm thực người Hoa, khánh thành năm 2001; Khu thể thao xây dựng năm 2002 với 3 sân quần vợt và phòng tập thể hình; TT Đào tạo ca múa nhạc và giải trí Sao Mai năm 2003. Nhà cưới Hoa Hồng hình thành năm 2003 để phục vụ tiệc cưới cho người thu nhập thấp.
Năm 2003, ông Nguyễn Hữu Sơn – Phó phòng Văn hóa Thông tin quận được điều động về làm giám đốc TTVH. Năm 2004, Trung tâm Văn hóa Q5 được đón nhận Huân chương Lao động hạng II.
Hoạt động lễ hội tiếp tục là thế mạnh của TTVH với Hội Đèn Hoa, Hội Nguyên Tiêu, giỗ tổ Hùng Vương, Trung thu, Tuần lễ Vì tuổi thơ, lễ hội Ân đức sinh thành. Những hoạt động hỗ trợ văn hóa cơ sở được đẩy mạnh cùng mối quan hệ phối hợp ngày càng chặt chẽ, đồng bộ với các đơn vị cơ sở, các ban ngành đoàn thể, hội đoàn quần chúng. CLB Cán bộ văn hóa cơ sở ra đời tháng 11/2005, thúc đẩy tốt cho hoạt động thông tin cổ động – văn hóa văn nghệ trên toàn địa bàn.
Nhiều hoạt động mới được tổ chức như Liên hoan nghệ thuật các dân tộc Chủ đề: “Chung một dòng sông”, Hội thi Thuyết minh viên không chuyên về 2 di tích lịch sử cho học sinh, Hội thi Sáng tác ca khúc về Q5, Hội thi Giọng hát hay CNVC – LĐ, Hội thi làm các loại bánh dân tộc, Ngày hội CLB đội nhóm Q5, triển lãm lưu động, …Công tác thông tin, tuyên truyền cổ động được thực hiện tốt, phục vụ đắc lực cho những yêu cầu về chính trị, xã hội của quận. TTVH phối hợp với nhiều cơ quan đơn vị tiến hành sửa chữa hai di tích lịch sử và tổ chức các hoạt động phát huy giá trị di tích.
Năm 2005,Trung tâm Văn hóa quận 5 tổ chức khánh thành Cơ sở II tại số 131 Triệu Quang Phục do quận đầu tư xây dựng mới với định hướng hoạt động văn hóa nghệ thuật người Hoa. Cơ sở II đã nhanh chóng trở thành “điểm hẹn” của các đơn vị văn hóa nghệ thuật người Hoa. Các cuộc hội thi liên hoan như: Hội thi Đơn ca tiếng Hoa, Hội thi Ngôi sao 4 mùa, Liên hoan nghệ thuật truyền thống người Hoa, Liên hoan Ca cổ tiếng Quảng Đông có điều kiện thuận lợi phát triển; nhiều mô hình hoạt động sáng tạo mới dành cho người Hoa như: chương trình Khúc hát trăng rằm hàng tháng, “Hát với nhau ca cổ tiếng Hoa”, các cuộc triển lãm hội họa – thư pháp, các lớp năng khiếu nghệ thuật dành cho thanh thiếu niên người Hoa, Câu lạc bộ ca nhạc cổ Quảng Đông được hình thành và góp phần phong phú hóa hoạt động văn nghệ tiếng Hoa trên địa bàn quận 5. CLB Khiêu vũ Hoa Hồng được đầu tư nâng cấp sàn gỗ, trang bị thang máy vào năm 2005 để tổ chức khiêu vũ nghệ thuật. TTVH hợp tác với đối tác xây dựng nhà sách Phương Nam năm 2006, sân khấu Cá Vàng vào năm 2007 và trở thành sân khấu 2B từ năm 2009.
Năm 2006, TTVH tiếp nhận bộ phận Thông tin cổ động và tin Video từ Phòng Văn hóa Thông tin quận. Tổ chức bộ máy được cơ cấu thành 3 phòng (P.Văn hóa văn nghệ, P.Thông tin cổ động, P.Hành chính quản trị) và 3 bộ phận (Cơ sở II, Thư viện, Tài vụ). Việc cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin được quan tâm thực hiện. Bộ máy nhân sự từng bước được củng cố, kiện toàn và trẻ hóa. Tổ chức Đảng, đoàn thể ngày càng vững mạnh. Chi đoàn TNCS được thành lập lại vào năm 2006. Bà Khưu Ngọc Bích Thư – Chủ nhiệm UB Chăm sóc Bảo vệ trẻ em Q5 được bổ nhiệm Phó giám đốc năm 2008.
Trang thông tin điện tử của TTVH được chính thức hoạt động từ tháng 10/2010 với nội dung phong phú, ngoài việc cung cấp thông tin, giới thiệu hoạt động văn hóa, còn là kênh trao đổi thông tin nghiệp vụ với cơ sở. Năm 2011, sau nhiều năm liền được trao tặng cờ thi đua dẫn đầu của UBND thành phố và Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch, Trung tâm Văn hóa Q5 đã được vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng I.
Năm 2014 ông Nguyễn Hữu Sơn giám đốc Trung tâm văn hóa Quận 5 nghỉ hưu, ông Trần Huy Chí PGĐ TTVH được UBND Quận 5 bổ nhiệm làm giám đốc TTVH Quận 5.
Tháng 3/2016, UBND Quận 5 điều động ông Lưu Vĩnh Diêu (nguyên Trưởng ban quản lý CLB hưu trí Quận 5) và quyết định phân công ông Nguyễn Thành Mỹ (trưởng phòng nghiệp vụ) làm Phó GĐ Trung tâm văn hóa quận 5.
Tháng 3/2018 Ông Trần Huy Chí Giám đốc Trung tâm văn hóa Quận 5 nghỉ hưu, Tháng 4/2018 UBND Quận 5 điều động ông Quách Trung Hiếu ( Bí thứ Quận Đoàn 5) giữ chức vụ Giám đốc Trung tâm văn hóa Quận 5.
Qua chặng đường 35 năm xây dựng và phát triển, TrungTâm Văn Hóa đã từng bước trở thành trung tâm sinh hoạt văn hóa của nhân dân Việt – Hoa trong và ngoài quận, góp phần tích cực cho sự nghiệp xây dựng và phát triển sự nghiệp văn hóa của quận 5 nói riêng, thành phố Hồ Chí Minh nói chung.