Địa chỉ : 718 – 728 Trần Hưng Đạo, Phường 2 / Quận 5 – Thành phố Hồ Chí Minh
Được công nhận di tích kiến trúc nghệ thuật cấp thành phố theo quyết định số 838 /QĐ- UNND và bảng xếp hạng ngày 27/10/2006 của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.
Hiện còn lưu giữ được sắc phong vua Bảo Đại ngày 15/10 năm thứ 12 niên hiệu Bảo Đại – 1937. Truyền phong là “Thần Dực Bảo- Trung Hưng linh phù -phụng sự Thần “Hình án sát – Bố chánh Lê Công Pháp
BẢNG XẾP HẠNG DI TÍCH CẤP THÀNH PHỐ
Đình Tân Kiểng cách chợ Bến Thành khoảng 2 km. Từ chợ Bến Thành theo đường Trần Hưng Đạo, qua ngã ba Trần Hưng Đạo – Lê Hồng Phong 200m, nhìn bên phải sẽ thấy bảng tên “Đình Tân Kiển” ở đầu một ngõ nhỏ, rẽ vào ngõ này, đi thêm độ 50m là đến đình. Đình tọa lạc tại số 718 Trần Hưng Đạo, phường 2 quận 5, thành phố Hồ Chí Minh.
Trong tác phẩm “Gia Định thành thông chí” của Trịnh Hoài Đức (được viết vào đời Gia Long, dâng lên vua Minh Mạng vào năm 1820), tên thôn Tân Cảnh (Kiểng) được liệt kê trong phần Cương vực chí và chợ Tân Cảnh (Kiểng) được nhắc đến trong phần Thành trì chí của trấn Phiên An:
“Chợ Tân Cảnh (tục gọi là chợ Quán): ở phía Nam trấn thủ, cách hơn 6 dặm, phố chợ trù mật, hàng năm Tết Nguyên đán thường dựng cây đu cho nên gọi là Chợ Lớn”.
Bài phú Cổ Gia Định phong cảnh vịnh (sáng tác khoảng đời vua Gia Long) cũng nhắc đến Chợ Quán:
Dù võng nghênh ngang chợ Điều Khiển
Quan quân rầm rập cầu Khâm sai
Vào Chợ Quán ra Bến Nghé
Xuống Nhà Bè lên Đồng Nai.
Trương Vĩnh Ký khi chép ra chữ quốc ngữ bài phú này đã chú giải “Chợ Quán” khi trước ở tại làng Tân Kiểng, kế làng Nhơn Giang, Bến Nghé.
Các tư liệu trên cho thấy thôn Tân Kiểng đã có từ đầu thế kỷ XIX và là một thôn lớn trù phú. Đình Tân Kiểng có lẽ cũng được xây dựng trong thời kỳ này.
Tín ngưỡng ở đình Tân Kiểng:
Đình Tân Kiểng là nơi thờ phụng các vị thần thánh theo tín ngưỡng dân gian như: Thần Thành hoàng bổn cảnh (Theo bài vị trên bàn thờ Thần tại chính điện thì Thần Thành hoàng bổn cảnh thờ ở đình là Hình Án sát Bố Chánh Lê Công Pháp); Quan Thánh Đế Quân; Tứ vị tôn thần; Ngũ hành nương nương…
Đình Tân Kiểng có khuôn viên khoảng 500m2. Trước kia đình có một vị trí bề thế trên đường Trần Hưng Đạo nh7ng nay đã bị nhiều công trình, nhà cửa che khuất. Đình được xây dựng theo kiểu nhà tứ trụ, bộ cột kèo bằng gỗ, mái lợp ngói âm dương. Nội thất đình gồm có võ ca, tiền điện và chính điện. Bên phải chính điện có một nhà kho nhỏ và miếu thờ Ngũ hành nương nương. Các khám thờ ở chính điện và trung điện đều bằng gỗ, chạm khắc đơn giản được kê lên cao. Ngoài khám thờ thần bằng gỗ đặt ngay giữa chính điện, mặt trước được chạm lưỡng long tranh châu, dơi, dây hoa cách điệu. Bài vị thờ thần chạm nổi hàng chữ Hán: “Sắc lệnh Thành Hoàng bổn cảnh Hình Án sát Bố chánh Lê Công Pháp linh chi vị”. Sát khám thờ thần có một hương án bày lễ vật, lư hương, chân đèn. Phía bên trái khám thờ thần là khám thờ Quan Đế, khám thờ Tả ban và bàn thờ Hậu hiền.
Khám thờ Quan Đế làm bằng gỗ, ở mặt trước có chạm câu đối:
Chí tại Xuân Thu công tại Hán
Trung đồng nhật nguyệt nghĩa đồng thiên
Bên trong không có bài vị mà chỉ có bức tranh vẽ Quan Công, Quan Bình và Châu Xương trên mặt kính.
Khám thờ Tả ban cũng bằng gỗ, chỉ bày mũ, áo chứ không có bài vị.
Bàn thờ Hậu hiền được kê sát vào vách cuối chính điện. Trên bàn thờ có bài vị:
Cung nghinh Hậu hiền chi vị
Canh Thân niên tứ nguyệt cát nhật
Biện đình Phạm phủ mộc đông phụng cung
Tạm dịch:
(Ngày tốt tháng tư năm Canh Thân 1920
Ông Biện đình họ Phạm dâng cúng)
Bàn Thờ Tiền hiền có bài vị “Cung nghinh Tiền hiền chi vị”, cũng do ông Biện đình họ Phạm cúng năm Canh Thân.
Dọc theo hai bên tường chính điện là bàn thờ Tiền vãng, bàn thờ Hậu vãng, những người có công với làng xã đã quá cố.
Lùi ra phía ngoài, trước khám thờ thần có khám thờ Tứ vị thần (bốn vị thần hộ vệ cho thần Thành Hoàng bổn cảnh). Chầu hai bên khám thờ này là một cặp hạc đứng trên lưng rùa, một bộ binh khí được bày dọc hai bên, mỗi bên bốn loại binh khí.
Bên trái khám thờ Tứ vị bày một bàn thờ để thờ Tiên sư, phía bên phải đặt tượng Thần Mã.
Tiền điện đình có khám thờ Quan Thánh đế quân với tượng Quan Đế ngồi trên ngai và Quan Bình, Châu Xương đứng hầu. Hai bên trước khám thờ này cũng có cặp hạc đứng trên lưng rùa và hai bộ lỗ bộ bằng gỗ.
Trên hai cây cột ở trung điện treo câu đối được làm vào năm Tự Đức thứ 5 (1852):
Thần nãi dân sở y, vị đức kỳ thịnh
Địa dĩ nhân nhi thắng, hữu khai tất tiên
Tự Đức ngũ niên Nhân Tý đông
Gia Định đẳng xứ, địa phương Đề Hình Án sát sứ ty
Án sát sứ Lê Văn Nhượng (Khiêm ?) phụng thư
Tạm dịch:
(Thần là chỗ dân nương nhờ vì đức thần to lớn
Đất có người nên thắng lợi, có khai phá tất có người tiên phong)
Mùa đông năm Nhân Tý, năm Tự Đức thứ 5 – 1852
Người viết là Án sát sứ Lê Văn Nhượng (Khiêm ?)
Ở Ty Đề Hình Án sát các địa phương tỉnh (Gia Định)
Trên hai cột sát tường cũng có câu đối:
Hách hách tinh quang vũ trụ, anh linh thiên cổ tai
Uông dương huệ trạch đạt gian khai bố đức thập tải khương
Long phi Tân Hợi niên lương nguyệt cát nhật
Đệ tử Phó Chủ Phạm Thịnh Đức phụng cung.
Tạm dịch:
(Hiển hách rạng ngời trong vũ trụ, anh linh lưu tự ngàn xưa
Mênh mông thắm đượm suốt thời gian đức thần ban bố nhiều năm
Ngày lành tháng tốt năm Tân Hợi 1911
Đệ tử Phó Chủ sự Phạm Thịnh Đức dâng cúng.
Trên tường bên trái trung điện có hai bức hoành phi bằng gỗ, chạm chìm chữ Hán:
Vĩnh triêm thần ân
Canh Ngọ niên, nhị nguyệt, thập ngũ nhật
Mộc ân tín nữ Đặng Thị Sửu phung cung
Ân uy đức trạch
Tân Sửu niên chế tạo (1901)
Nghĩa Thuận hội, bổn hội phụng cung)
Võ ca đình Tân Kiểng không rộng lắm, phần sân khấu để diễn tuồng hát bội được xây cao lên. Mặt trước võ ca có phù điêu đắp nổi hình Thần Hổ.
Bên cạnh chính điện đình có một miếu thờ Ngũ hành nương nương. Trước kia miếu là nơi thờ thứ phi Phi Yến, phi tần của Nguyễn Ánh. Ngoài bài vị Ngũ hành nương nương còn có bài vị Chúa Xứ Nguyên Nhung và bài vị Chư vị hội đồng.
Phía trước miếu có một tượng Quân Âm đứng trên tòa sen mới được xây dựng do bá tánh tín ngưỡng.
Nghệ thuật trang trí đình Tân Kiểng cũng nằm trong mô típ trang trí đình làng Nam bộ với những đề án sử dụng hình ảnh các con vật trong tứ linh “Long – lân – quy – phụng”, các hoa văn “hoa, lá” thể hiện khát vọng của cộng đồng về một đời sống thịnh vượng, bền vững. Đình Tân Kiểng cũng là nơi gìn giữ được truyền thống tín ngưỡng dân gian Nam bộ, ở khu vực có người Hoa và người Việt sinh sống đan xen nên có sự giao lưu văn hóa, tín ngưỡng giữa cộng đồng dân cư.
Ngày nay, đình tọa lạc tại vùng thị tứ có quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng nên đình Tân Kiểng không còn giữ được vị trí và quy mô như ngày trước. Tuy vậy, ngôi đình vẫn còn giữ được kiến trúc cổ với bộ khung gỗ lợp ngói âm dương. Trong đình còn lưu giữ khá đầy đủ các đồ vật thờ cúng thể hiện tín ngưỡng đặc thù của những lưu dân Việt đi khai hoang lập nghiệp trên vùng đất Nam bộ.
Ngày 27/10/2006, Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã có quyết định số 4838/QĐ-UBND xếp hạng đình Tân Kiểng là một di tích kiến trúc nghệ thuật cấp thành phố.
Nội dung SẮC PHONG THẦN tại đình:
(Người dịch nghĩa chữ Hán: Nguyễn Văn Đường – Ban quản lý Di tích & Danh lam Thắng cảnh TP. Hồ Chí Minh)
Chữ Hán (ảnh)
● Phiên âm: Sắc: Sài Gòn – Chợ Lớn, Tân Lập Hội quán phụng sự Lê Công Pháp chi thân niệm trứ linh ứng. Tứ kim chỉ thừa cảnh mệnh, miến niệm thần hưu. Trước phong vi Dực Bảo Trung Hưng Linh phù chi thần. Chuẩn kỳ phụng sự thứ cơ. Thần kỳ tướng hựu bảo ngã lê dân. Khâm tai !
Bảo đại thập nhị niên, thập nguyệt, thập ngũ nhật.
Sắc mệnh chi bảo.
● Dịch nghĩa: Hội quán Tân Lập ở Sài Gòn–Chợ Lớn phụng sự thần Lê Công Pháp. Thần đã nhiều lần hiển hiện linh ứng. Từ ngay vâng theo mệnh Trời, nghĩ tới đức tốt của thần. Truyền phong là “Thần Dực Bảo Trung Hưng Linh Phù”. Chuẩn cho Hội Quán Tân Lập vẫn thờ phụng thần như trước đây. Thần phải bảo vệ dân chúng của ta. Khâm tai !
Ngày 15 tháng 10 năm thứ 12 niên hiệu Bảo Đại – 1937.
Bảo (ấn): Sắc mệnh.
● Đặc điểm: Tờ Sắc bằng giấy dó màu vàng, nền in hình rồng mây màu trắng, dài 1, 235m, rộng 0,495m. Bảo ấn vuông, mỗi cạnh 0,138m. Có đề lạc khoản.
● Xác định niên đại: Tờ Sắc được ban hành vào ngày 15 tháng 10 năm 1937.
Chánh điện
Tủ đựng cổ vật