Nhân kỷ niệm 47 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2022); kỷ niệm 136 năm Ngày Quốc tế lao động 01/5 và 111 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (05/6/1911 – 05/6/2022).
Sáng ngày 21/4/2022, Đoàn công tác huyện Nam Đàn tỉnh Nghệ An do bà Nguyễn Thị Hồng Hoa – Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân huyện Nam Đàn tỉnh Nghệ An làm trưởng đoàn đến thăm viếng Di tích lịch sử cấp quốc gia Nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại số 5 Châu Văn Liêm Phường 14 Quận 5.
Tại đây, đoàn công tác đã dâng hương, dâng hoa và tỏ lòng biết ơn, tưởng nhớ đến Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bà Nguyễn Thị Hồng Hoa bày tỏ niềm vui, xúc động khi được đến thăm ngôi nhà Bác đã từng sống trước khi ra đi tìm đường cứu nước. “Chúng cháu vô cùng xúc động khi được đến đây, nơi Người đã từng sống trước khi ra đi tìm đường cứu nước, được nghe kể và tận mắt nhìn những kỷ vật thiêng liêng của Người với cảm xúc vô cùng xúc động…. chúng cháu luôn ghi nhớ và biết ơn công lao to lớn và luôn khắc ghi lời Bác dạy” những dòng lưu niệm mà bà Nguyễn Thị Hồng Hoa viết trong sổ lưu niệm của di tích.
Đại diện Trung tâm Văn hóa Quận 5 đã thuyết minh và đưa đoàn tham quan “Ngôi nhà Bác Hồ” tại Thành phố Hồ Chí Minh để cảm nhận rõ hơn về hành trình bôn ba của Người tìm ra con đường cứu nước.
————————————————
Sơ lược về quá trình Chủ tịch Hồ Chí Minh vào Sài Gòn và sống tại nhà số 5 Châu Văn Liêm Phường 14 Quận 5:
Trước khi rời Tổ quốc ra đi tìm đường cứu nước, Nguyễn Tất Thành đã đến và sống ở Sài Gòn. Trong thời gian đó, Người ở tại trụ sở của Liên Thành phân cuộc – một cơ sở của Liên Thành thương quán ở số 1 – 2 – 3 Quai Testart – Chợ Lớn, đến năm 1915 được đổi thành đường Tổng Đốc Phương và nay là đường Châu Văn Liêm. Nay một trong ba căn nhà trên đã trở thành di tích lưu niệm về Hồ Chí Minh, đó là nhà số 5 Châu Văn Liêm, phường 14 quận 5.
Sau một thời gian dạy học ở trường Dục Thanh – Phan Thiết, ngày 19/9/1910, Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc ấy mang tên Nguyễn Tất Thành rời Phan Thiết vào Sài Gòn, cùng đi có cụ Trương Gia Mô và Hồ Tá Bang.
Tới Sài Gòn với giấy tờ mang tên Văn Ba, Người được đưa đến ở nhà ông Lê Văn Đạt ở số 185/1 đường Dumortier Xóm Cầu Rạch Bần (nay là đường Cô Bắc – Q1). Hai ngày sau, Người được đưa đến ở tại trụ sở của Liên Thành Thương Quán số 1, 2, 3 Quai Testart. Nguyễn Tất Thành đã ở đây đến tháng 6/1911. Trong thời gian này, Người vừa dạy học vừa đi làm ở trường Thợ Máy (École des Méscaniciens), vừa đi bán báo ở khu vực thương cảng để kiếm sống và tìm hiểu đời sống công nhân, nhân dân lao động, cũng như các tàu ra vào Cảng Sài Gòn.
Ngày 4/6/1911 Nguyễn Tất Thành với tên Văn Ba đã rời Liên Thành thương quán xuống tàu của Pháp mang tên Amiral Latouche Treville. Ngày 5/6/1911, tàu rời cảng Nhà Rồng đưa người thanh niên Việt Nam yêu nước ra đi tìm con đường giành độc lập, tự do cho dân tộc.
Phương Thảo