Từ năm 1946 đến nay, nhân dân ta có thêm một ngày kỷ niệm trọng đại – Ngày 19/5 – sinh nhật Bác Hồ.
Đó không phải là lễ nghi “văn hóa sinh nhật”, cũng không có nghĩa sùng bái trong “văn hóa chúc thọ”; chỉ thuần là thói quen, nếp đạo lý của dân tộc. Ngày ấy, nhân dân một nước tự do độc lập, sống những giờ phút đặc biệt trong tâm trạng vui tươi, phấn khởi, tự hào, với tấm lòng tràn ngập tình yêu thương kính trọng Bác Hồ.
Nhân Kỷ niệm 131 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2021), Cán bộ, Đảng viên và Nhân dân TP. Hồ Chí Minh phát động phong trào thi đua yêu nước mừng sinh nhật Bác với nhiều hoạt động sôi nổi như trồng cây nhớ Bác, phát động công trình học tập và làm theo lời Bác,… Đặc biệt, tổ chức các đoàn đến dâng hương tưởng nhớ và tham quan các bảo tàng, di tích mang dấu ấn của Người.
Trên địa bàn Quận 5, tại căn nhà số 05, đường Châu Văn Liêm, Phường 14, là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ở trước khi ra đi tìm đường cứu nước. Trong những ngày Tháng Năm nhớ Bác, nơi đây đã đón tiếp các đoàn đến dâng hương, tham quan và tổ chức các hoạt động như tuyên dương gương điển hình học tập và làm theo lời Bác, tổ chức kết nạp Đảng viên mới,…
Đến với Nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, các đoàn được tham quan các tư liệu, hình ảnh, hiện vật trưng bày hình ảnh gợi nhớ làng quê của Người, các lãnh tụ của các phong trào yêu nước, các cơ sở của Liên Thành thương quán, bản đồ Sài Gòn – Chợ Lớn năm 1911, hình ảnh Sài Gòn những năm 1910 – 1911, hình con tàu Đô đốc Latouche Treville… Các tài liệu, hình ảnh, tranh vẽ minh họa về Chủ tịch Hồ Chí Minh; các hoạt động tiếp nối truyền thống, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh.
———————————————
Sơ lược về Căn Nhà số 5 Châu Văn Liêm, Phường 14, Quận 5 – Nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ở trước khi ra đi tìm đường cứu nước.
Trong khoảng thời gian từ 9/1910 đến 6/1911, Người ở tại cơ sở của phân cuộc Liên Thành thương quán tại số 1-2-3 Quai Testard (bến Testard) – Chợ Lớn. Năm 1915 đổi thành đường Tổng Đốc Phương, nay là đường Châu Văn Liêm – quận 5. Trong ba căn nhà đó, một căn được giữ lại di tích lưu niệm về Bác. Đó là căn nhà số 5 đường Châu Văn Liêm, phường 14, quận 5 được Bộ Văn hóa ký quyết định công nhận là di tích lịch sử số 1288-VH/QĐ ngày 16/11/1988.
Theo những tư liệu lịch sử cho biết, ngày 06/06/1906, từ ý tưởng của chí sỹ Phan Châu Trinh, Công ty Liên Thành được thành lập tại Phan Thiết. Cuối năm 1906, Liên Thành thương quán được mở rộng và đặt thêm một số trụ sở tại Sài Gòn mang tên Liên Thành phân cuộc ở số 1, 2, 3 Quai Testard (bến Testard) – Chợ Lớn (và nay là đường Châu Văn Liêm).
Liên Thành là chủ sở hữu và sáng lập ra trường Dục Thanh – Phan Thiết, người thanh niên Nguyễn Tất Thành đã dạy học ở đây. Năm 1910, người thanh niên Nguyễn Tất Thành (lúc này là thầy giáo) từ trường Dục Thanh – Phan Thiết vào Sài Gòn. Được sự giúp đỡ của ông Trương Gia Mô, ông Hồ Tá Bang và ông Trần Lệ Chất, Người được bố trí sống tại nhà ông Lê Văn Đạt – một người con bên mẹ của cụ Trương Gia Mô. Ông Trương Gia Mô là bạn đồng liêu của ông Nguyễn Sinh Huy (thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh), là Hàn lâm đãi chiếu tại bộ công ở Huế cùng thời với cụ Nguyễn Sinh Huy. Bằng uy tín và sự khôn khéo, các ông đã vận động viên Công sứ Pháp đồng ý cấp giấy thông hành cho Nguyễn Tất Thành với một tên mới là Văn Ba. Sau hai ngày, Người được đưa đến ở tại cơ sở Liên Thành phân cuộc.
Trong thời gian ở tại Sài Gòn, Người vừa dạy học vừa đi làm ở trường thọ máy (Escole des Mécaniciens), vừa đi bán báo ở khu vực thương cảng để kiếm sống và tìm hiểu đời sống công nhân, nhân dân lao động cũng như các tàu ra vào cảng Sài Gòn. Đây là thời gian hết sức quan trọng để Người có bước chuẩn bị trực tiếp về vật chất, tinh thần, phương tiện và có quyết định cuối cùng cho việc ra đi tìm đường cứu nước.
Ngày 4/6/1911, Người lấy tên Văn Ba, rời phân cuộc Liên Thành thương quán. Ngày 5/6/1911, trên con tàu Amiral Latouche Treville, Người rời bến cảng Nhà Rồng, ra đi tìm con đường giành độc lập tự do cho dân tộc.
Trải qua bao thăng trầm, hiện nay toàn bộ không gian bên trong di tích đã được sử dụng trưng bày các tư liệu hình ảnh về Bác. Đây là nơi vô cùng ý nghĩa để Cán bộ, Đảng viên và Nhân dân TP Hồ Chí Minh và cả nước đến tham quan, tìm hiểu về thân thế, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Phương Thảo