Miếu Nhị Phủ, Nhị Phủ hội quán hay còn được gọi là chùa ông Bổn, tọa lạc tại 264 đường Hải Thượng Lãn Ông, phường 14, quận 5, thành phố Hồ Chí Minh.
Miếu có tên là Nhị Phủ vì miếu được thành lập do sự đóng góp của người Hoa gốc ở hai phủ Tuyền Châu và Chương Châu (Phúc Kiến, Trung Quốc). Về sau tách ra, nhóm Tuyền Châu lập hội quán Ôn Lăng, nhóm Chương Châu lập hội quán Chương Châu (nay là hội quán Hà Chương).
Không rõ miếu được xây dựng năm nào. Hiện nay trong miếu còn lưu giữ một chuông cổ. Trên chuông chỉ đúc hàng chữ “Nhị phủ Đại Bá Công Ất Dậu trọng thu cát đán …” nên khó xác định được niên đại. Trong “Cổ Gia Định phong cảnh vịnh”, bài phú mô tả phong cảnh Gia Định từ năm 1770 đến năm 1815, chùa ông Bổn đã được nhắc đến qua câu:
“Coi chùa ông Bổn Đầu Cân
Dám quên chữ ngọn rau tấc đất”.
Trên một câu đối treo ở chính điện hội quán Hà Chương (được thành lập sau miếu Nhị Phủ) có ghi năm trùng tu là Gia Khánh Kỷ Tỵ tức năm 1809. Như vậy, Hội quán Nhị Phủ được xây dựng muộn nhất là vào cuối thế kỷ 18, có lẽ là năm 1765 – tức năm “Ất Dậu”chạm trên chuông.
Từ khi thành lập đến nay, miếu đã qua ba lần trùng tu lớn vào những năm 1875, 1901 và 1990. Dù vậy, miếu vẫn giữ được nét cổ kính qua phong cách kiến trúc và trang trí truyền thống của người Hoa – Phúc Kiến.
Khuôn viên miếu rộng khoảng hai ngàn năm trăm mét vuông. Phần sân chiếm gần phân nửa diện tích. Không gian còn lại bao gồm các điện thờ, trụ sở hội quán và sân thiên tỉnh. Miếu có kiến trúc tổng thể theo hình chữ “Khâu”, có kết cấu dạng nhà khung gỗ, mái ngói, tường gạch. Vách mặt tiền ghép bằng các phiến đá. Bộ khung gỗ được sơn màu đỏ, trang trí đẹp mắt bằng các bông sen chạm ngược ở đầu các thanh chống xà gồ dưới mái hiên, các tượng kỳ lân bằng gỗ đầu xà cột hay những diềm gỗ chạm lộng trên thanh ngang…
Mái miếu lợp ngói ống, diềm mái là hàng ngói thanh lưu ly. Hình thức vì kèo “chồng rường – giá chiêng” khiến mái miếu hơi cong cộng với thiết kế tạo hình hai tầng mái và các đầu đỉnh mái, đầu đao uốn cong tạo cho ngôi miếu có dáng một chiếc thuyền rồng… Trên các nóc của mỗi dãy nhà đều có trang trí tượng cá hóa long, mai, lan, cúc, trúc, rồng, phượng… bằng gốm sứ nhiều màu sắc. Ở gờ đỉnh mái có tượng lưỡng long tranh châu, thân rồng không duỗi dài như thường thấy mà gần như dựng thẳng, đuôi xòe cao. Trước cửa miếu còn có 2 tượng kỳ lân bằng đá đặt trên bệ chầu hai bên.
Bên trong miếu bài trí đơn giản nhưng không kém phần trang nghiêm. Nghệ thuật trang trí ở miếu chủ yếu là các hoành phi, câu đối. Trên mỗi cột gỗ cao sơn màu đỏ, được kê bằng các chân đá chạm trổ mỹ thuật, có treo một hoặc hai câu đối. Nhiều câu đối cao hơn 3 mét, được làm cong theo chiều cong của cột. Hoành phi cũng được trang trí nhiều nơi. Có tất cả 14 câu đối và 30 hoành phi, phần lớn được làm từ năm 1864 đến năm 1901. Các hoành phi, câu đối được chạm viền chung quanh, bên trong chạm nổi các chữ Hán trên nền hoa văn rồng mây, sóng nước… ngoài ý nghĩa ca ngợi thần thánh còn có giá trị nghệ thuật thư pháp và nghệ thuật chạm gỗ.
Bàn thờ ông Bổn tức Phúc Đức chính thần, vị thần bảo hộ đất đai theo tín ngưỡng của người Hoa đặt giữa chính điện với khám thờ nguy nga, lộng lẫy . Ông Bổn được thờ ở đây là Châu Đạt Quan – 1 vị quan triều Tống (Trung Hoa), cũng là 1 nhà sử học.
Hai bên bàn thờ ông Bổn thờ Quảng Trạch tôn vương và Thái Tuế gia gia. Dọc hai bên thiên tỉnh trước chính điện là hai gian thờ Quan Thánh đế quân và Chúa Sinh nương nương. Hậu điện thờ Ngọc Hoàng đại đế, Thích ca Phật tổ và Quan Âm Bồ tát. Các vị thần, thánh được thể hiện bằng tượng gỗ hay thạch cao đặt trang trọng trong các khám thờ.
Nổi bật nhất là khám thờ ông Bổn được làm năm 1894. Khám thờ bằng gỗ, sơn nhũ vàng, chạm trổ các đề tài lưỡng long tranh châu, ngô đồng – phượng, lân hàm châu… xen kẻ hoa văn đồng tiền, chữ thọ, các con vật miền sông nước như tôm, cua, cá… là một tác phẩm của nghệ thuật chạm khắc gỗ, một hiện vật quý của miếu. Ngoài ra còn có những hiện vật giá trị khác như chuông cổ bằng hợp kim đúc năm Ất Dậu (1765), chuông bằng gang làm năm 1875, tượng kỳ lân bằng đá, các bao lam, bình phông, hoành phi, câu đối… có niên đại cuối thế kỷ XIX.
Hàng năm, miếu Nhị Phủ có nhiều ngày cúng tế. Đặc biệt 2 ngày lễ chính của miếu là ngày rằm tháng giêng và rằm tháng tám, đó là ngày sinh và ngày mất của ông Bổn. Lễ vật cúng tế gồm ngũ sinh (thịt của 5 loài vật), ngũ quả (5 loại trái cây). Ngoài ra còn 1 số ngày cúng khác như: cúng Ngọc Hoàng vào mồng 9 tháng Giêng, cúng Quan âm Bồ tát, cúng Quản Trạch tôn vương, cúng Quan Thánh đế quân…
Miếu Nhị Phủ được xem là một trong những đền miếu xưa nhất của người Hoa ở thành phố Hồ Chí Minh, là một công trình kiến trúc đặc sắc với nghệ thuật chạm đá, chạm gỗ tinh xảo. Miếu Nhị Phủ không chỉ thể hiện sự giao lưu văn hóa Hoa – Việt mà còn đánh dấu sự định cư và phát triển của người Hoa Phúc Kiến, gắn liền với sự phát triển của Sài Gòn xưa.
Ngày 31/8/1998, miếu Nhị Phủ đã được Bộ Văn hóa Thông tin công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia theo quyết định số 1811/1998/QĐ-BVHTT. Hội quán Nhị phủ đã được trao tặng Huân chương Lao động hạng III năm 2006./.